Không chỉ vé cao điểm hè trong nước rẻ, nhiều chặng bay quốc tế hiện 3,1-4,5 triệu đồng khứ hồi, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Đang cao điểm hè nhưng vé máy bay nội địa tới các điểm du lịch được hãng hàng không và các đại lý đánh giá thấp nhất 6 năm.
Tương tự, nhiều chặng bay quốc tế cũng đang giảm mạnh giá so với năm ngoái. Chị Oanh, một người Việt xuất khẩu lao động qua Nhật, cho biết các năm trước để mua vé khứ hồi Nhật Bản – TP HCM phải nhờ đại lý mua trước 4-5 tháng và chỉ chọn mùa thu để có vé rẻ. Năm nay gia đình chị có việc đột xuất nên mua vé sát ngày về Việt Nam nhưng chị bất ngờ vì giá rất thấp.
"Trước đây, giá vé khuyến mãi cho chặng khứ hồi 6-8 triệu đồng, nay mua ngày cuối tuần, còn 4,5 triệu đồng cho chặng Osaka - TP HCM - Osaka", chị Oanh nói.
Tương tự, chị Hoa ở quận Tân Bình cho biết các năm trước chặng bay TP HCM - Đài Bắc giá vé 5-6 triệu đồng cho chặng khứ hồi, giờ khoảng 3,8-4 triệu đồng (160 USD). "Với mức này, vé quốc tế còn rẻ hơn nhiều chặng bay nội địa như TP HCM - Hà Nội/Vân Đồn", chị Hoa nói.
Khảo sát cho thấy, chặng bay quốc tế từ Việt Nam đến Đông Bắc Á đang có giá rẻ nhất. Giá từ TP HCM đi Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong tại Vietnam Airlines, Vietjet Air, Air Asia khoảng 3-6 triệu đồng cho chặng khứ hồi, giảm 20-30% so với năm ngoái.
Với chặng bay TP HCM/Hà Nội đi Thái Lan, điểm du lịch nổi tiếng và hút khách nhất năm nay, giá cũng giảm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cao điểm hè 2022 (tháng 7, 8) không có vé khuyến mãi nhưng năm nay nhiều ngày giá khuyến mãi 39.000 đồng hay 119.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Với những khung giờ không có khuyến mãi, giá cao nhất cũng chỉ quanh mức 2-2,5 triệu đồng một chiều (không bao gồm vé hạng thương gia). Đây là mức giá rẻ nhất 3 năm qua.
Các chuyến bay đi châu Âu năm nay giá cũng thấp hơn so với năm ngoái 5% dù số lượng các chuyến bay khai thác khá thấp.
Bà Quỳnh Hoa, đại lý vé máy bay cấp 1 của Vietjet Air cho biết, nếu năm ngoái giá vé cao kỷ lục, năm nay ngược lại. Hiện, mức giá vé quốc tế đang thấp nhất 3 năm qua và khuyến mãi rầm rộ. Một vài chặng có giá thấp kỷ lục từ trước tới nay như TP HCM đi Hàn Quốc/Hong Kong có ngày giá vé khứ hồi 3-3,7 triệu đồng.
Gắn bó với hàng không và du lịch 12 năm qua, ông Hạng Quang Tuấn - Giám đốc Ngọc Mai Travel, đại lý vé F1 của Vietnam Airlines - cho rằng không chỉ cao điểm hè giá vé mùa thu năm nay đang rất rẻ. Nếu các năm trước , mức siêu tiết kiệm mỗi chặng 3-5 vé, có chặng không có loại này, năm nay số lượng bán ra lớn gấp 2-3 lần.
"Năm nay đi du lịch ở đâu cũng rẻ (trừ Mỹ). So với năm ngoái, giá vé quốc tế năm nay nhiều chặng giảm tới 30%. 12 năm trong nghề nhưng đây là năm đầu tiên tôi thấy Vietnam Airlines có chương trình mua một tặng một", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn dẫn chứng, cao điểm hè tháng 6, ông vừa bán tour cho đoàn khách đi Hàn Quốc giá vé khứ hồi cho chặng TP HCM - Hàn Quốc - TP HCM 3,1 triệu đồng bao gồm chỗ ngồi và 23 kg hành lý ký gửi - mức giá mà ông khẳng định "chưa từng có".
Giá vé giảm sâu nhưng năm nay sức mua thấp, cũng là nguyên nhân khiến vé rẻ hơn cùng kỳ. Theo ông Tuấn, các chặng bay quốc tế phục hồi chậm. Lạm phát tăng cao, hầu bao của người tiêu dùng thắt chặt. Khách du lịch năm nay đắn đo trong chi tiêu nên họ chọn những điểm du lịch ngắn, hạn chế di chuyển bằng máy bay.
Đại diện Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) cũng cho biết, thị trường hàng không quốc tế có dấu hiệu phục hồi nhưng sức mua trên thị trường chung vẫn thấp nên các hãng hàng không đẩy mạnh kích cầu.
Ngoài ra, trong báo cáo gần đây của các hãng hàng không, giá nhiên liệu cho tàu bay đang giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí quản lý doanh nghiệp, chênh lệch tỷ giá cũng giúp cho giá vé máy bay quốc tế rẻ hơn so với cùng kỳ.
Với các chặng TP HCM/Hà Nội đi Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, giá giảm sâu là do nhu cầu đi lại đang rất thấp. Chính phủ các nước này đang khuyến khích người dân du lịch nội địa.
Reuters dẫn số liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho thấy, người dân Trung Quốc 6 tháng đầu năm đẩy mạnh du lịch nội địa. Sau bùng phát của đại dịch, phần lớn họ cũng thắt chặt chi tiêu. Đây là nước có số lượng người dân đi du lịch top đầu thế giới.
Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày từ 28/4 đến 3/5 số lượng chuyến đi du lịch của người dân Trung Quốc tăng 19% nhưng tổng chi tiêu là 21 tỷ USD (bằng năm 2019). Bình quân khách du lịch đã chi tiêu trung bình 540 nhân dân tệ vào 2023, trong khi 2019 là 603 nhân dân tệ.
Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thị trường quốc tế dần phục hồi nhưng chỉ tập trung ở một vài khu vực. Hiện, một số thị trường tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Australia (tăng 10-30% so với năm 2019). Trong khi đó, một số thị trường như Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm. Nhìn chung, hoạt động vận chuyển quốc tế trong tháng 5, 6 giảm 20% so cùng kỳ 2019. Tổng lượng khách quốc tế di chuyển qua cảng hàng không Việt Nam đạt 14,7 triệu khách nửa đầu năm, giảm 26% so với năm 2019.
Hiện tại, 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ là ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Theo Thi Hà
(VnExpress)