Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định với nhiều tiềm năng, lợi thế, tới năm 2030 kỳ vọng lớn du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, ngay sau đại dịch Covid -19, đã có nhiều biện pháp nhằm kích cầu ngành "công nghiệp không khói" để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Thúc đẩy du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn
Sau 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.
Du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. Du lịch cũng là một công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định với nhiều tiềm năng, lợi thế, tới năm 2030 kỳ vọng lớn du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong lịch sử hơn 60 năm, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế, nhưng chưa bao giờ lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra.
Dịch bệnh đã gây ra trong thời gian dài như du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng khó triển khai, khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng… Hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể…
Năm 2022 là năm đầu tiên khôi phục lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3, đến thời điểm này những chỉ tiêu về du lịch đã đạt được kết quả hết sức đáng khích lệ. Năm 2023, Du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng. Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2022 với những biến động của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, hoạt động du lịch thế giới đã không được phục hồi như dự báo mà diễn ra chậm, nhất là ở khu vực châu Á. Ở trong nước, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ quan trọng và đạt được những kết quả nổi bật góp phần quan trọng trong việc phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.
Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
Nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch phát triển
Với chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói, Ngành du lịch đã và đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam năm 2030, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Nằm trong chuỗi hoạt động kích cầu du lịch, kế hoạch tổ chức một sự kiện quy mô và tầm cỡ, vừa qua, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các doanh nghiệp có uy tín trong ngành du lịch phát động tổ chức sự kiện “Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” với tên Tiếng Anh là National Tourism Industry Summit.
Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia sẽ chia sẻ và giới thiệu các nội dung về cơ hội và thách thức, giải pháp phát triển du lịch toàn diện, du lịch trong thời đại kinh tế số, các hoạt động đào tạo hướng dẫn hoạt động kinh doanh du lịch và các hoạt động kết nối các đối tác, chia sẻ các cơ hội giao thương, quảng bá thương hiệu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các doanh nhân quan tâm tới giáo dục du lịch. Đồng thời, thông qua các hoạt động của Chương trình cũng là cơ hội giới thiệu thương hiệu, sản phẩm du lịch chất lượng đến trực tiếp người khách hàng; là việc làm có ý nghĩa thiết thực cho các doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế.
(Ban điều hành Hiệp Hội Khởi Nghiệp Quốc Gia họp triển khai các nội dung thực hiện tại sự kiện Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia dự kiến tổ chức vào ngày 30/8/2023)
Chương trình Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia dự kiến được tổ chức với 3 nội dung:
1. Tổng quan về ngành du lịch hiện nay và đề xuất định hướng phát triển Công nghiệp du lịch Việt Nam;
2. Khởi nghiệp kinh doanh ngành du lịch, chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành du lịch giúp phát triển Doanh nghiệp trong ngành du lịch, đồng thời kết nối thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch của Việt Nam;
3. Thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp phát triển: Từ Nghị quyết Trung ương Đảng VIII, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đến thực tiễn; định hướng, giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Hội thảo có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khởi nghiệp ngành thẩm mỹ. Dự kiến sẽ có gần 2000 đại biểu từ các viện, trường, các tổ chức trong nước và nước ngoài, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trong ngành du lịch và có hàng chục nghìn lượt doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia kết nối, hợp tác kinh doanh. Thêm vào đó Chương trình được sự quan tâm bảo trợ và đưa tin truyền thông bởi các cơ quan báo chí lớn. Chương trình dự kiến đươc tổ chức trong tháng 9 năm 2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Nhóm PV