Truyền tải thông điệp kinh doanh như thế nào để không phải bị hiệu ứng ngược? Lựa chọn kênh thông tin cũng như sử dụng cách thức truyền thông nào là tối ưu đối với doanh nghiệp khởi nghiệp? Hàng loạt vấn đề được nêu ra để báo chí thật sự trở thành cầu nối và điểm tựa, tạo động lực cho các nhà khởi nghiệp phát triển trong tương lai...
Diễn đàn Báo chí với khởi nghiệp thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp lẫn nhà báo. Ảnh: X.H
Diễn đàn “Báo chí với khởi nghiệp sáng tạo” do Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội TechFest 2023 thật sự sôi nổi với các chia sẻ từ các nhà báo lẫn chủ thể mô hình khởi nghiệp tại Quảng Nam.
Cầu nối thông tin
Đưa ra hàng loạt ví dụ về xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam từ trước đến nay, TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia cho rằng, khởi nghiệp là hành động bắt đầu một nghề nghiệp của con người. Nói đến câu chuyện khởi nghiệp cũng là câu chuyện của khát vọng cá nhân.
Và trong lịch sử kinh tế Việt Nam đã có những thương hiệu quốc gia tạo nên từ các tác phẩm của nhà báo. Vì vậy, các nhà báo hãy viết về những câu chuyện khởi nghiệp, những nỗ lực không ngừng của các doanh nhân, đó là đã góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia, cũng chính là cách để hỗ trợ phong trào khởi nghiệp.
Khi xác định nhiệm vụ của báo chí là kênh thông tin chính xác, xác thực, tạo chiều sâu và thậm chí nêu lên những bất cập của đời sống kinh tế - xã hội, thì việc phản biện đối với phong trào khởi nghiệp cũng là điều nên chăng.
Truyền thông tìm đầu ra sản phẩm Tham gia diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất với Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia xây dựng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia đặt tại TP.Tam Kỳ. Hiện Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia đang cùng TP.Tam Kỳ khảo sát, chọn địa điểm thích hợp. “Quảng Nam đang nỗ lực hết mức để có một mô hình tương tự Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp khu vực. Định hướng của tỉnh vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Và điều này chính truyền thông làm tốt nhất. Đây cũng là điều các chủ thể khởi nghiệp phải xem là vấn đề đầu tiên” - ông Hồ Quang Bửu nói. |
Do đó, doanh nghiệp nên chủ động đến với cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin, phối hợp truyền thông chính thống và chính xác thông tin là điều được đặt ra để bạn đọc cũng chính là người tiêu dùng - khách hàng không phải “ngập” trong biển thông tin.
Ông Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, lâu nay doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như đều làm truyền thông một cách tự phát.
“Các mô hình, dự án khởi nghiệp tại Quảng Nam hiện vẫn chưa có cách thức cũng như hiểu biết về việc lựa chọn kênh thông tin để truyền tải. Nếu không lựa chọn đúng thì sẽ phản tác dụng. Truyền thông về khởi nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tỉnh táo lựa chọn những kênh thông tin chính thống, hợp lý.
Báo Quảng Nam xác định luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách chia sẻ về mô hình kinh doanh, thông điệp của dự án khởi nghiệp bằng các bài viết đăng tải trên Báo Quảng Nam” - ông Lê Văn Nhi nói.
Báo chí là đối tác
Bà Đỗ Dương Thị Đông Phương - Giám đốc Công ty TNHH Măng tây xanh miền Trung (thị xã Điện Bàn) nói, khi đi tham gia hội chợ sản phẩm ở nước ngoài thì sản phẩm nước măng tây của doanh nghiệp được đón chào rất nhiệt tình. Thế nhưng ở thị trường trong nước, sản phẩm này vẫn còn lạ lẫm.
“Lâu nay chúng tôi phải trả giá khá cao đối với mỗi dự án truyền thông cho sản phẩm của mình, nhưng chỉ giới hạn là một video đăng trên các kênh mạng xã hội và mang tính quảng cáo. Do đó, tôi nhận thấy vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc định danh cho chất lượng sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, ở vai trò một mô hình khởi nghiệp, tôi nghĩ rằng báo chí nên ưu ái cho các sản phẩm an toàn đã được kiểm định, cũng như là sản phẩm phát triển từ nguyên liệu xanh bản địa...” - bà Đông Phương nói.
Bà Đỗ Dương Thị Đông Phương - Giám đốc Công ty TNHH Măng tây xanh miền Trung
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu ra sản phẩm luôn là điều quyết định sự tồn tại của mô hình. Tuy nhiên, thiếu chuyên nghiệp trong truyền tải thông tin sản phẩm hay thậm chí thiếu thông tin sản phẩm được xem là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra trở nên manh mún, khó cạnh tranh trên thị trường.
Xu hướng tìm kiếm, tiếp cận thông tin thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo hay định dạng tin ngắn video trên TikTok, YouTube… khiến các thông tin trở nên mập mờ giữa quảng cáo sản phẩm và thông tin xác thực về sản phẩm trên báo chí chính thống.
Thậm chí, một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên trên mạng xã hội đã và đang làm thay vai trò của nhà báo khi họ sẵn sàng là người đầu tiên chia sẻ, bình luận, phản biện các thông tin khác nhau và lại nhận được nhiều sự hưởng ứng từ phía cộng đồng mạng.
TS. Đinh Việt Hòa cho rằng, báo chí cần phải xác định họ cũng là đối tác của doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, yêu cầu cập nhật xu hướng báo chí hiện đại được đặt ra. Làm sao để từ bài trên trang báo đến các phương tiện xã hội, bởi niềm tin từ bài báo chính thống luôn là cách bán hàng nhanh nhất.
Cùng với đó, trăn trở về thông điệp kinh doanh, những nỗi niềm trong hành trình khởi nghiệp cũng được các doanh nghiệp khởi nghiệp đặt ra với mong muốn nhận được chia sẻ, đồng cảm từ các nhà báo...
Theo XUÂN HIỀN (Báo Quảng Nam)