Bối cảnh thế giới với những biến động chưa từng có đòi hỏi các quốc gia không chỉ nỗ lực trụ vững mà đồng thời phải phát triển bền vững. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn chung, Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định, bền bỉ, và còn những tiềm năng chưa được khai phá hết.
Các đại biểu trong phiên thảo luận chuyên gia về văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ thay đổi - Ảnh VGP/Nguyễn Đức
Một trong những tiềm năng đó chính là sức mạnh văn hoá của một cộng đồng kinh doanh gắn kết, có trách nhiệm, tiến bộ và thích ứng. Việc nhận thức và phát huy được những lợi thế văn hóa của quốc gia, đồng thời tích hợp vào bộ nhận diện của mình các giá trị toàn cầu có ý nghĩa bước ngoặt cho việc định hình tương lai của cộng đồng kinh doanh Việt Nam.
Bối cảnh kinh tế Việt Nam – thế giới cùng tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh của Việt Nam đã được ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, đơn vị khởi xướng Diễn đàn đa phương (MSF), chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc MSF 2023: "Trong năm nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn xuất phát tình hình thế giới bất ổn và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài. Mặc dù vậy, Việt Nam đã thể hiện sự bền bỉ đáng kinh ngạc, với mức tăng trưởng đạt 3,28% trong quý I, 4,05% trong quý II và mức tăng trưởng đáng chú ý là 5,33% trong quý 3, tính tổng cộng là 4,25% tăng trưởng cho đến tháng 9. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng. Tôi nghĩ rằng thành tựu này có được là nhờ Chính phủ Việt Nam đã điều hành và thực thi các chính sách kinh tế mạnh mẽ trong thời gian qua. Môi trường kinh doanh và văn hóa mà Việt Nam đang sở hữu cũng đã tác động không nhỏ đến thành tựu này."
"Văn hóa kinh doanh Việt Nam" – tiếp cận mới trên đối tượng không mới
Diễn đàn đa phương (MSF) do Samsung khởi xướng và phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đã bước sang năm thứ 6.
Diễn đàn đa phương năm nay lựa chọn chủ đề "Khai thác sức mạnh Văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới", với mong muốn thúc đẩy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp cho sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc của cộng đồng theo định hướng bền vững, từ đó giúp gia tăng năng lực cạnh tranh và đóng góp cho sự thịnh vượng bền vững của Việt Nam.
Để giúp các chuyên gia, đại biểu tham gia diễn đàn có được một sự hình dung rõ nét hơn về "văn hóa kinh doanh Việt Nam" đương đại, Ban tổ chức MSF 2023 đã đặt ra một nhiệm vụ nghiên cứu khá căn bản: giới thiệu một tiếp cận và kết quả nhận diện văn hóa kinh doanh Việt Nam thông qua nhận thức của các chủ thể, từ đó chỉ ra các tiềm năng và khoảng trống cho phát triển bền vững và đề xuất các khuyến nghị cho các bên liên quan. Nghiên cứu "Văn hoá kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể và Hàm ý cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững", được thực hiện bởi Viện phát triển Doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là nghiên cứu đầu tiên mang tính định lượng về văn hóa kinh doanh được thực hiện tại Việt Nam.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển tiếp các kết quả nghiên cứu quốc tế, áp dụng phân tích dữ liệu phối hợp giữa định tính và định lượng các mối quan hệ đa biến trên một bộ 29 chiều cạnh thuộc 3 lớp: giá trị - nhận thức – hành động, kết hợp so sánh với các giá trị trung bình quốc tế, đại diện nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp – VCCI, đã trình bày một cách khoa học và thuyết phục bộ nhận diện căn bản và cấu trúc văn hóa kinh doanh của Việt Nam.
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại sự kiện - Ảnh VGP/Nguyễn Đức
Ở lớp "lõi", về niềm tin và giá trị căn bản, Việt Nam có biểu hiện tổng thể hài hoà, đề cao một số giá trị như "tính hiệu quả", "nhân đạo", "định hướng tương lai", "thích ổn định - ngại rủi ro". Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Hiên, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân - thành viên nhóm nghiên cứu - cũng chia sẻ thêm rằng mặc dù có nhiều điều kiện mang tính nền tảng cho phát triển bền vững, người Việt Nam tôn trọng "tính thứ bậc" là cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Trong khi việc đề cao "nhân đạo", "tính tập thể", và "định hướng tương lai" phù hợp với nhận thức định hướng bền vững, việc coi trọng thứ bậc có mối quan hệ ngược chiều, có thể là thách thức cho doanh nghiệp trong thực hành văn hoá hướng tới bền vững.
Doanh nghiệp càng lâu năm thực hành văn hóa doanh nghiệp càng tốt
Trong đánh giá về "nhận thức định hướng bền vững" và "thực hành văn hoá doanh nghiệp", nghiên cứu đã chỉ ra thực hành văn hoá doanh nghiệp có tỷ lệ thuận với các yếu tố như quy mô doanh nghiệp, mức độ hội nhập quốc tế, thời gian hoạt động cũng như yếu tố vùng miền. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động lâu năm (trên 20 năm) thực hành văn hóa doanh nghiệp tốt hơn. Họ hiểu tầm quan trọng và sẵn sàng đầu tư nguồn lực cũng như công sức vào xây dựng doanh nghiệp có văn hóa gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp càng hội nhập sâu thì thực hành văn hóa phát triển bền vững càng tốt. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu và đa quốc gia thực hành văn hóa doanh nghiệp tốt hơn so với các doanh nghiệp ở loại hình khác. Điều này cũng được làm rõ hơn qua câu chuyện về văn hóa tổ chức của Samsung Việt Nam hay của Biti's, được đại diện của chính những công ty này chia sẻ tại diễn đàn.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, để trả lời cho câu hỏi "Cần làm gì để giúp thúc đẩy văn hóa kinh doanh theo hướng cạnh tranh và bền vững?", nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị dành cho từng nhóm chủ thể.
Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu không chỉ đem lại những góc nhìn mới cho các nhà quản lý, nhà hoạch định trong thúc đẩy văn hóa kinh doanh có bản sắc, hiện đại và mang tính thích ứng cao, mà còn hữu ích cho các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn và người lao động trong thực tiễn quản trị các mục tiêu của doanh nghiệp thông qua hoàn thiện văn hóa tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.
Nguyễn Đức ( Báo Chính phủ)