Sáng nay, tại Hà Nội ban dự án CWE tổ chức khoá đào tạo “Lồng ghép giới trong truyền thông: Kỹ năng viết bài lồng ghép giới và ứng dụng AI”, nhằm thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ - Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới và thúc đẩy sự tiến bộ của nữ doanh nhân.
Với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ, Chính phủ Canada tài trợ thông qua UBKTXH Châu Á Thái Bình Dương Liên hiệp Quốc (UN-ESCAP) phối hợp với Bộ KHĐT ( Cục phát triển Doanh nghiệp) thiết kế xây dựng triển khai dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ - Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới CWE năm 2020 - 2023”. Tới dự có đại diện Đại diện ban lãnh đạo Dự án CWE, cùng hơn 50 cán bộ truyền thông doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến tham dự.
Lồng ghép giới trong truyền thông không chỉ đơn thuần là thêm nội dung về giới vào các sản phẩm truyền thông mà còn cần thay đổi cách tiếp cận, cách sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh để phản ánh sự đa dạng và bình đẳng giới. Trong xây dựng nội dung, cần đáp ứng đặc điểm nhu cầu của từng giới, dựa vào kết quả phân tích nhu cầu. Xây dựng thông điệp truyền thông phản ánh tình hình thực tế, quan điểm của cả nam giới và phụ nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và đánh giá rất cao vai trò của các nữ doanh nhân trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc, mặc dù họ chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Để giải quyết những khó khăn trên, cần có nhiều nội dung hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ.
Dự án Phát triển doanh nhân nữ tại Việt Nam sẽ góp phần hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nhân nữ trong tiếp cận vay vốn, công nghệ và đào tạo, xuất những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp nữ.
Chia sẻ tại khoá đào tạo “Lồng ghép giới trong truyền thông: Kỹ năng viết bài lồng ghép giới và ứng dụng AI”, TS Dương Thị Kim Liên - Điều phối viên dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” (CWE) khẳng định truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của doanh nhân nữ.
Bằng cách giới thiệu và tôn vinh những thành tựu, những câu chuyện thành công của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh doanh, các cán bộ truyền thông cùng các phương tiện truyền thông đóng vai trò tạo động lực và môi trường lý tưởng để thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của phái nữ. Bằng cách phản ánh và nêu lên những thách thức mà phái nữ gặp phải, cùng với việc đưa ra giải pháp và hỗ trợ, truyền thông có thể tạo ra sự chú ý và thúc đẩy việc nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho doanh nhân nữ. Cán bộ truyền thông, phóng viên không chỉ đơn thuần là người tạo ra nội dung mà còn là những người mở cửa cho cuộc trò chuyện, đối thoại giữa các doanh nhân nữ và cộng đồng.
TS Dương Thị Kim Liên cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển và tiến bộ của doanh nhân nữ_Ảnh:PV
Theo TS Dương Thị Kim Liên, truyền thông không chỉ là một công cụ truyền tải thông tin mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển và tiến bộ của doanh nhân nữ. Sự tham gia tích cực của các cán bộ truyền thông, các phóng viên, phương tiện truyền thông như báo, đài truyền hình đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh sự phát triển bền vững của phái nữ trong lĩnh vực kinh doanh.
Bà Liên cho biết: “Các bài viết, phóng sự, hoặc các chương trình truyền hình về những thách thức và thành công của doanh nhân nữ không chỉ lan tỏa thông điệp về bình đẳng mà còn tạo ra cơ hội cho phụ nữ thể hiện khả năng và tiềm năng của mình trong thế giới kinh doanh. Thông qua việc đưa tin, tạo ra nội dung và chương trình có sự đa dạng giới, truyền thông có thể giúp nâng cao nhận thức về sự cần thiết của bình đẳng giới trong doanh nghiệp”.
Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu - Giảng viên Content Marketing - PR, khuyến nghị, cần sự kết nối thực chất, chất lượng giữa người làm truyền thông với doanh nhân nữ để hiểu nhau thực chất và gần gũi hơn, tránh sự hiểu lầm. Qua đó, tạo điều kiện cho 2 bên hiểu được những mặt tích cực của nhau. Doanh nhân nữ cần tăng cường và chủ động chia sẻ, để người làm truyền thông có thêm chất liệu, ý tưởng truyền thông.
Các phương tiện truyền thông có thể tạo cơ hội để các doanh nhân nữ chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và mở ra những mối kết nối quan trọng trong ngành và cả xã hội. Việc tôn trọng và tạo cảm hứng thông qua truyền thông không chỉ là việc thúc đẩy bình đẳng mà còn là cách để xây dựng sự tự tin và lòng tin tưởng của phụ nữ trong kinh doanh. Từ việc phản ánh thành công của họ đến việc truyền tải thông điệp về sự đa dạng và tiềm năng, truyền thông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng kinh doanh đa dạng và phát triển.
TS Nhà báo Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại khoá đào tạo “Lồng ghép giới trong truyền thông: Kỹ năng viết bài lồng ghép giới và ứng dụng AI” _Ảnh:PV.
TS Nhà báo Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Việc thông tin quảng bá của thương hiệu nào truyền tải đến khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất, thì sản phẩm của thương hiệu đó sẽ gây được ảnh hưởng đối với người tiêu dùng và đảm bảo 50% thành công. Do đó, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, truyền tải thông điệp đến với công chúng, góp phần quan trọng quyết định một phần thành công hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nữ làm chủ."
Ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết thêm: “Sản xuất nội dung số hỗ trợ doanh nhân nữ cần tập trung vào 2 môi trường chính thống (báo chí, trang tin) và mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội đang tạo được sự gần gũi, cảm xúc trong thông tin hỗ trợ doanh nhân nữ. Một bộ phận nhà báo, cộng tác viên truyền thông đã làm rất giỏi lĩnh vực này. Hiện nay, một bộ phận vẫn quen cách làm cũ khi truyền thông về doanh nhân nên thiếu hiệu quả, vì thiếu cảm xúc, thiếu sự gần gũi, Báo chí luôn là kênh truyền thông uy tín, thể hiện được tính chuyên môn, quan điểm của doanh nhân nữ.”
Chia sẻ về công nghệ truyền thông xu thế, kỹ năng cho phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, ông Bùi Quang Cường – CEO Iviet, giảng viên FPT, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định, lồng ghép yếu tố về giới trong truyền thông là cách tiếp cận nhằm bảo đảm rằng các vấn đề giới được xem xét và giải quyết một cách toàn diện và có hệ thống trong các hoạt động truyền thông.
Khi phát động truyền thông, nên cân nhắc và lựa chọn các kênh hoặc hình thức truyền thông mà cả nam giới và phụ nữ đều có thể tiếp cận. Khi đánh giá chiến dịch bảo đảm việc thu thập dữ liệu và đánh giá trên cơ sở từ cả 2 giới, đánh giá các chỉ số thống kê như mức độ tiếp cận từ các giới, mức độ thay đổi hành vi của đối tượng mục tiêu. Các thông điệp truyền thông không chỉ nhấn mạnh các trường hợp bất bình đẳng mà còn cần phải đưa ra các giải pháp, thành tựu và các mô hình tốt./.
Pv