Bởi vậy, các nhà đầu tư tài chính và chiến lược đang rất mong muốn được tham gia lĩnh vực hấp dẫn này.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe thu hút nhiều thương vụ M&A
Trước đây, phần lớn hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe xoay quanh các thương vụ chuyển nhượng bệnh viện và phòng khám tư nhân. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nhờ các điều kiện thị trường thuận lợi. Sự già hóa dân số, cùng với nhận thức về sức khỏe được nâng cao và mức thu nhập ngày càng tăng tạo ra nhu cầu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao mà hiện tại vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Về nguồn cung, tình trạng quá tải tại các bệnh viện công tuyến đầu ở các thành phố lớn vẫn chưa được khắc phục. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số giường bệnh/1.000 dân tại Việt Nam năm 2021 mới đạt 3,1 giường, dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (5 giường/1.000 dân).
Bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners |
Sự mất cân bằng cung cầu này cho thấy tiềm năng phát triển hệ thống y tế tư nhân ở Việt Nam, được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích của Chính phủ, như Nghị quyết số 20/NQ-TW (năm 2017) đặt mục tiêu số giường bệnh tư nhân chiếm 10% và 15% tổng số giường bệnh vào năm 2025 và năm 2030. Do đó, bệnh viện và phòng khám tư nhân sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là khi số lượng bệnh nhân đang phục hồi về mức trước đại dịch; các ca phẫu thuật, thủ thuật y tế phức tạp và các dịch vụ y tế đắt tiền đã được thực hiện trở lại.
Sau đây là những xu hướng nổi bật:
Các bệnh viện đa khoa thu hút sự quan tâm cao nhất: Thương vụ lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây là khoản đầu tư hơn 203 triệu USD của GIC vào Vinmec năm 2020. Bên cạnh đó, các thương vụ đáng chú ý khác bao gồm khoản đầu tư của VinaCapital vào Hệ thống Y tế Thu Cúc năm 2020, khoản đầu tư của Quadria Capital vào Bệnh viện FV năm 2017, khoản đầu tư của Navis Capital vào Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội năm 2016.
Nhiều nhà đầu tư chiến lược và tài chính đang tìm kiếm cơ hội thực hiện những khoản đầu tư lớn vào một số bệnh viện đa khoa tư nhân tại Việt Nam, trong đó, nhiều bệnh viện có biên lợi nhuận tốt, dòng tiền ổn định và tỷ lệ lấp đầy cao. Đáng chú ý, các bệnh viện thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp với chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế có nhiều khả năng thu hút thêm lượng bệnh nhân trong nước - những người trước đây thường chọn sang nước ngoài điều trị.
Chú trọng nhiều hơn vào các cơ sở chuyên khoa: Các hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mua lại những cơ sở y tế chuyên khoa để bổ sung nhiều lĩnh vực điều trị vào mạng lưới y tế của họ, giống như khoản đầu tư của Heliconia vào hệ thống nhãn khoa Mắt Sài Gòn và khoản đầu tư của TPG vào Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt vào năm 2019. Các chuỗi phòng khám chuyên khoa cũng đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, với một số thương vụ huy động vốn thành công như thương vụ Kim Dental và ABC World (BDA Partners là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho Kim Dental) hay thương vụ chuỗi phòng khám nhi khoa và phụ sản Nhi Đồng 315. Cả hai hệ thống đều có quy mô đáng kể và mạng lưới đang phát triển nhanh chóng tại nhiều địa điểm ở TP HCM.
Tâm điểm mới là các đô thị loại II, loại III: Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các cơ sở y tế nằm ngoài các thành phố lớn tại Việt Nam, ví dụ thương vụ CVC mua lại 60% cổ phần của Bệnh viện Phương Châu (hệ thống bao gồm 4 bệnh viện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) vào năm 2022 và thương vụ Kei Mei Kai mua lại Bệnh viện Hoàn Hảo tại Bình Dương vào năm 2019. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu lớn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại các đô thị loại II, loại III, biến các bệnh viện và phòng khám ở những khu vực này trở thành những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Ưu tiên đầu tư vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe có quy mô: Nhiều nhà đầu tư đang “săn lùng” các hệ thống chăm sóc sức khỏe có quy mô lớn với nhiều cơ sở tại Việt Nam. Lý do là, các hệ thống này có sức hấp dẫn lớn hơn từ góc độ tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận so với các cơ sở chăm sóc sức khỏe đơn lẻ.
Theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài không được tham gia trực tiếp vào hoạt động phân phối dược phẩm tại Việt Nam, nhưng vẫn được phép phân phối các sản phẩm tự sản xuất trong nước. Quy định này khiến việc đầu tư vào các nhà sản xuất dược phẩm nội địa trở thành cách hiệu quả nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam (dự kiến đạt quy mô 16,1 tỷ USD vào năm 2026, theo BMI Research).
Với việc không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực sản xuất dược phẩm, nhiều nhà sản xuất trong nước đã tham gia thực hiện M&A chiến lược với đối tác nước ngoài, điển hình như các thương vụ Taisho - DHG, Aska - Hataphar, SK - Imexpharm và Daewoong - Traphaco.
Dự báo, trong thời gian tới, dược phẩm tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô toàn cầu như hiện nay. Ngành sản xuất dược phẩm tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chiến lược của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước với mục tiêu tăng thị phần dược phẩm sản xuất trong nước lên 80%, thị trường mà từ trước đến nay vẫn bị áp đảo bởi dược phẩm nhập khẩu.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, M&A với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là một phương án khả thi đối với các nhà sản xuất dược phẩm nội địa, giúp các đơn vị này đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và chuyên môn điều hành. Từ góc độ nhà đầu tư, các tập đoàn dược phẩm toàn cầu cũng đang nhắm đến các nhà sản xuất tại Việt Nam để khai thác tiềm năng của thị trường nội địa và cơ hội xuất khẩu thông qua quan hệ hợp tác sản xuất gia công.
Cơ hội tăng trưởng nhanh của các nhóm ngành mới nổi
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, M&A với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là một phương án khả thi đối với các nhà sản xuất dược phẩm nội địa, giúp các đơn vị này đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và chuyên môn điều hành.
Healthtech (công nghệ y tế) trở thành tâm điểm đầu tư mới, khi nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến ngày càng tăng, nhất là từ khi Covid-19 bùng phát khiến việc tiếp xúc trực tiếp phải giảm thiểu. Khám bệnh từ xa (telehealth) và số hóa hồ sơ bệnh án là một phần trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Ở khối tư nhân, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực healthtech phục vụ nhiều phân khúc khác nhau của thị trường như telehealth (JioHealth, Med247, eDoctor), dịch vụ hỗ trợ bồi thường bảo hiểm y tế (Insmart, South Asia Services) và nhà thuốc điện tử (Medici, POC Pharma) gần đây đã huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài, làm nổi bật triển vọng của lĩnh vực healthtech còn non trẻ tại Việt Nam.
Có thể nói, healthtech vẫn đang đi sau các lĩnh vực liên quan đến công nghệ khác như dịch vụ thanh toán hoặc thương mại điện tử cả về mức độ đầu tư lẫn tiến độ phát triển. Chính vì vậy, vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư tham gia quá trình tạo ra giá trị trong tương lai.
Bên cạnh healthtech, dịch vụ xét nghiệm cũng rất tiềm năng, bởi hiện nay, thị trường dịch vụ xét nghiệm ở Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh, hầu hết đơn vị cung cấp là các phòng lab với quy mô nhỏ, số lượng mẫu xét nghiệm thấp và công nghệ lạc hậu. Các công ty có thể tạo ra những mạng lưới dịch vụ xét nghiệm với tiềm năng mở rộng quy mô, trang thiết bị hiện đại và áp dụng công nghệ cao để chiếm thị phần, từ đó tạo sức hút với các nhà đầu tư và trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng các mạng lưới dịch vụ xét nghiệm tầm cỡ khu vực, tương tự ở các thị trường Ấn Độ , Trung Quốc...
Ngoài xét nghiệm lâm sàng, xét nghiệm di truyền cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, với một số thương vụ tiêu biểu gần đây, như Genetica và Gene Solutions đã hoàn thành các vòng gọi vốn đầu tiên, Gentis được Eurofins mua lại…
Trang thiết bị y tế còn nhiều dư địa, khi rất ít nhà sản xuất trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 90% trang thiết bị y tế tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, khoản đầu tư 30 triệu USD của EastBridge Partners vào USM Healthcare, một nhà sản xuất stent (ống đỡ động mạch) nội địa vào đầu năm 2022 đã cho thấy, các nhà sản xuất chất lượng cao trong nước đang nhận được sự quan tâm lớn.
Trong tương lai, lĩnh vực này sẽ tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt trong phân khúc vật tư tiêu hao y tế (như stent, chỉ khâu…), vốn có nhiều cái tên tiềm năng và phổ biến trong nước.
Hướng tới tương lai
Trong quá trình làm việc và trao đổi của BDA Partners, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe luôn là một trong những trọng tâm rót vốn của các nhà đầu tư tài chính. Nhà đầu tư tài chính sẽ hưởng lợi từ những điều kiện thuận lợi của thị trường giúp thoái vốn một số khoản đầu tư đã thực hiện từ giai đoạn trước, đồng thời vẫn sẽ tích cực xem xét các cơ hội đầu tư tiềm năng nhờ lượng tiền mặt tích lũy và nhu cầu đầu tư bị dồn nén do dịch bệnh.
Về phía nhà đầu tư chiến lược, họ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những cơ hội phù hợp cho các khoản đầu tư có giá trị cộng hưởng cao tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam hoặc tại các thị trường ở cùng mức độ phát triển sẽ có lợi thế nhờ hiểu biết chuyên sâu về đặc thù thị trường và kinh nghiệm quản lý, điều hành để nhanh chóng hợp nhất với các công ty tiềm năng mà họ sẽ đầu tư.
BDA Partners rất tự tin vào tiềm năng M&A của thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt khi hiện nay, khoảng cách về định giá và khó khăn trong công tác thẩm định do Covid-19 gây ra đã không còn là trở ngại. Chúng tôi đón đợi một năm 2023 đầy sôi động với nhiều thương vụ M&A đang thực hiện cũng như những thương vụ tiềm năng khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Theo Hương Trịnh (báo Đầu tư Chứng Khoán)