HST khởi nghiệp Việt tăng từ thứ 5 lên thứ 3 trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư đang hoạt động.
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo trên thế giới vẫn có những tín hiệu lạc quan. Trong tình hình này, Diễn đàn được tổ chức cũng nhằm kết nối các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đồng thời tạo cơ chế đối thoại chính sách về thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là nơi các quỹ đầu tư thể hiện cam kết đầu tư vào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tại diễn đàn được tổ chức vào các năm 2019, 2020 và 2022, số lượng quỹ tham gia và số vốn cam kết không ngừng tăng lên, từ 18 quỹ với 425 triệu USD năm 2019 lên 33 quỹ với 815 triệu USD năm 2020 và 39 quỹ với 1,5 tỷ USD năm 2022. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, về mặt chính sách, Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn khó lường của nền kinh tế nhưng Việt Nam đã thu hút gần 20.21 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhờ có sự ủng hộ vững chắc từ các mối quan hệ giao thương trên trường quốc tế.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu 2023 và là một trong ba quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chủ trương về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Năm 2023 cũng đánh dấu một dấu mốc quan trọng của vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Gần đây nhất, Việt Nam cũng đã nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tăng cường hợp tác song phương. Nhìn chung, các hiệp định thương mại này đã vạch ra một lộ trình dài hạn cho Việt Nam không chỉ với tư cách là một trung tâm sản xuất hàng đầu mà còn là trung tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị cao.
5 ngành các dự án khởi nghiệp nên quan tâm vì được dự đoán sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trong các phiên tọa đàm của Diễn đàn đã cùng nhau thảo luận, phân tích về các vấn đề thời sự và cấp thiết liên quan đến đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và tại Việt Nam, qua đó cung cấp các góc nhìn đa chiều nhằm định hướng chiến lược đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian tới và hỗ trợ tốt nhất cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.”
Chúng ta có thể thấy 5 lĩnh vực này phần lớn đều cần có công nghệ, khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi
Theo báo cáo của NIC và Golden Gate Ventures, năm lĩnh vực đó bao gồm: Công nghệ y tế, công nghệ tài chính, công nghệ hỗ trợ hậu cần, công nghệ giáo dục và nền kinh tế xanh. Chúng ta có thể thấy 5 lĩnh vực này phần lớn đều cần có công nghệ, khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Điển hình nhất là thói quen sử dụng và tâm lý ‘bắt trend’ với các sản phẩm/dịch vụ công nghệ của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Điều này mở ra nhiều cánh cửa cơ hội, đặc biệt trước làn sóng chuyển đối số mạnh mẽ hiện nay.
Bên cạnh đó, đối với kinh tế xanh, Việt Nam đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển năng lượng sạch ở Đông Nam Á với các đổi mới về năng lượng gió và mặt trời. Các lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phù hợp với tham vọng trở thành quốc gia phát triển vào năm 2050, cũng như nhu cầu đổi mới toàn cầu.
Bích Phương (Diễn đàn Doanh nghiệp)