NTE- Mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành công nghệ thông tin đang tăng, song nhân sự trong ngành này vẫn đang thiếu hụt, dự báo thiếu từ 150.000 - 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm trong giai đoạn 2023 – 2025…
Ảnh minh họa.
“Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023” do TopDev vừa công bố cho thấy, sự thiếu hụt nhân sự công nghệ thông tin (IT) luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với thị trường công nghệ thông tin.
Theo báo cáo, mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể nhưng dự đoán từ năm 2023 - 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.
PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP TUYỂN DỤNG ĐỀU YÊU CẦU CÓ NGOẠI NGỮ
Hiện nay, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Về xu hướng, số sinh viên công nghệ thông tin nhập học mỗi năm vào khoảng 50.000-57.000 người.
Trong số hơn 57.000 kỹ sư công nghệ bước vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn, yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra. 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc. Lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh về lý thuyết nhưng còn hạn chế về kỹ năng thực hành về ứng dụng công nghệ cao.
Đánh giá về tình hình tuyển dụng IT tại Việt Nam, TopDev cho biết, nhiều công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao đã tuyển dụng quá mạnh mẽ trong và sau đại dịch để đáp ứng nhu cầu chưa từng có về hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số.
Các công ty đã tuyển nhân viên toàn thời gian với mức lương và các gói phúc lợi tăng cao cho đến khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái kể từ cuối năm ngoái. So với năm 2022, hầu hết các công ty đều thu hẹp kế hoạch tuyển dụng trong năm 2023 với số lượng vị trí tuyển dụng mới giảm đáng kể.
Gần 90% công ty có kế hoạch tuyển ít hơn 50 lập trình viên trong năm nay trong khi con số này của năm ngoái chỉ là 75%.
Cùng với nhu cầu tuyển dụng giảm, ngân sách tuyển dụng cho năm 2023 cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, khi chỉ có 6% công ty cho biết họ tăng ngân sách tuyển dụng, 15% giữ nguyên số lượng và gần 80% công ty quyết định giảm.
Xét về địa điểm tuyển dụng, mặc dù tỷ lệ việc làm tại TP. HCM giảm nhẹ (2%) so với năm 2022, nhưng TP. HCM vẫn đóng vai trò quan trọng là trung tâm công nghệ tại Việt Nam, nơi có hơn 55% lập trình viên/dân số công nghệ thông tin đang tập trung tại đây.
Đáng chú ý, phần lớn các nhà tuyển dụng mong đợi các lập trình viên ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ thành thạo ở mức cơ bản và giới hạn trong vai trò kỹ thuật của họ.
Tiêu chí này được áp dụng cho khoảng 9,0% các chuyên gia làm việc ở các vị trí yêu cầu tiếng Anh, chủ yếu ở các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Những công ty này, có cả cấp quản lý và khách hàng thường xuyên sử dụng tiếng Anh, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của trình độ tiếng Anh.
Ngoài tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn nổi lên là hai yêu cầu ngoại ngữ phổ biến trong các bản mô tả công việc gần đây. Cách tiếp cận tuyển dụng đối với những ngôn ngữ này khác biệt đáng kể so với tiếng Anh. Các nhà tuyển dụng từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những người tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng ngoại ngữ, thường yêu cầu trình độ làm việc chuyên nghiệp.
Họ cũng hiếm khi chấp nhận những ứng viên chỉ có trình độ cơ bản hoặc hạn chế do sự khác biệt về văn hóa và giao tiếp, vì trình độ cơ bản có thể dẫn đến những tình huống không phù hợp. Yêu cầu tương tự cũng được áp dụng với các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga.
MỨC LƯƠNG NHÂN SỰ IT KHÔNG BIẾN ĐỘNG NHIỀU
Xét về mức lương, báo cáo cho thấy, mức lương bình quân năm nay không thay đổi nhiều so với năm ngoái và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 0,7%. Tuy nhiên, so với các ngành khác, mức lương của các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin vẫn cao.
Theo số liệu, hầu hết các vị trí công nghệ thông tin đều bắt đầu sự nghiệp với mức lương không có sự chênh lệch quá lớn. Nhưng sau 2 năm đầu tiên trong sự nghiệp, mô hình lương sẽ đi theo hướng khác liên quan đến công nghệ và có thể bị ảnh hưởng rất nhiều từ thị trường việc làm, tình hình kinh tế và các yêu cầu kinh doanh mới nổi.
Mức lương của lập trình viên theo năm kinh nghiệm. Ảnh chụp màn hình.
Nhìn chung, hầu hết các nhóm công nghệ cơ bản như Java, Python, .Net, C++ & PHP vẫn được coi là được trả lương cao liên tục qua nhiều năm. Các kỹ năng công nghệ cao mới như liên quan đến Đám mây/ AI/ ML/ DevOps đang được đầu tư nhiều hơn với mức lương cao hơn với tác động to lớn của các ứng dụng trong thế giới thực hiện nay về Điện toán đám mây, Generative-AI và quy trình phát triển phần mềm hiện đại.
Mức lương thường tăng lên khi người lao động thăng tiến trong các cấp bậc công việc, lập trình viên với kinh nghiệm cùng với mức thâm niên lâu được đãi ngộ và mức lương tốt hơn.
Có sự khác biệt đáng kể về mức lương giữa các cấp bậc công việc. Các cấp độ Leader/Manager và Director/Architect có mức lương cao nhất, phản ánh trách nhiệm và chuyên môn ngày càng tăng cần thiết cho các vị trí này.
Nhân sự mới ra trường trong thị trường công nghệ thông tin trung bình nhận mức lương từ 435 - 514 USD. Sau 2 năm làm việc trong ngành IT, tốc độ tăng lương có vẻ nhanh hơn 2 năm đầu khi các lập trình viên đã tích lũy được một số kiến thức nền tảng và kinh nghiệm làm việc.
Nhìn chung, mức lương sẽ cao hơn khi tăng theo bậc thang cấp độ làm việc. Hơn 70% vị trí Junior (mới vào nghề) được nhận mức lương trong khoảng 600 - 1.000 USD. Nhân sự cấp trung từ 1.100 - 1.500 USD, đây là mức phổ biến chiếm gần 50%. Trong khi đó, nhân sự cao cấp hầu hết bắt nhận mức lương từ 1.100 - 2.000 USD, chỉ có khoảng 10% vị trí cấp cao nhận mức lương từ 2.500 USD.
(Theo Vneconomy)