Năm 2024, Kiểm toán nhà nước dự kiến lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1, các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai, các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp thứ 26 - Ảnh: VGP/ĐH
Tại Phiên thảo luận cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước diễn ra vào ngày 12/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước bên cạnh việc ưu tiên kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành, địa phương, cần tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như là giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện; vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu…
8 THÁNG ĐẦU NĂM KIẾN NGHỊ XỬ LÝ 10.723 TỶ ĐỒNG
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết đến ngày 31/8/2023, toàn ngành đã kết thúc kiểm toán 93 cuộc, phát hành 61 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm…
Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí; đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm tại các Chương trình mục tiêu quốc gia được kiểm toán đều thực hiện chưa đạt; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế…
Sơ bộ đến 31/8/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
“Về cơ bản, các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó, các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được Kiểm toán Nhà nước theo dõi, đôn đốc”, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết.
Về kế hoạch kiểm toán năm năm 2024, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chia sẻ sẽ ưu tiên kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành, địa phương; chuyên đề phục vụ tốt yêu cầu giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; các dự án quan trọng quốc gia và việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Cho ý kiến về việc thực hiện hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phát huy sự phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan trong công tác điều hành; phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách thực hiện phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị; Phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham gia tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội; đồng thời tăng cường kiểm toán từ xa. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước có thể báo cáo thêm với Quốc hội về những tồn tại, hạn chế, bất cập; thực hiện hiệu quả các văn bản dưới luật để qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...
QUAN TÂM LỰA CHỌN KIỂM TOÁN ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ SAI PHẠM CAO
Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ hơn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như là những kiến nghị chuyển ra các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài những nội dung dự kiến trong kế hoạch kiểm toán năm 2024 về chuyên đề đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các Bộ đã sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước lớn, kiểm toán chuyên đề về ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng công trình, tài chính, ngân hàng, quốc phòng và an ninh thì cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như là giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện; vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm nên Kiểm toán Nhà nước có thể nghiên cứu những nội dung đề xuất, cân nhắc để đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Kiểm toán Nhà nước tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Năm nay, tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm vì thực tế ban hành ra rất nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.
Còn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thì đề nghị quan tâm lựa chọn đối tượng kiểm toán có ảnh hưởng lớn, nguy cơ sai phạm cao. “Đâu đó vẫn còn quy định chưa phù hợp nên có kiến nghị đúng luật nhưng khó khả thi khi thực hiện. Kiểm toán cũng là ngành nghề rất nhạy cảm nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách thực chất”, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ thêm.
(Theo Vneconomy)