Đó là khẳng định của GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế trong phát biểu chào mừng Hội nghị khoa học ngoại khoa và phẫu thuật nội soi toàn quốc năm 2023 và Lễ Đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam diễn ra tại Bình Định cuối tuần này.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh: Huân chương lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng cho Hội dịp này là mốc son có ý nghĩa quan trọng ghi nhận những cố gắng, hy sinh và phấn đấu của tất cả các hội viên qua quá trình lịch sử hơn 60 năm qua, sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội đã dày công xây dựng và phát triển Hội, góp phần đưa ngành ngoại khoa Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho Hội tiếp tục vượt qua mọi khó khăn thử thách; vững bước trong việc thực hiện đổi mới trong xu hướng hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ngành y tế nói chung và ngoại khoa nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Cách mạng và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Các thầy ngoại khoa đã tham gia cứu chữa thương bệnh binh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ, tiêu biểu như các chiến dịch Biên giới 1952, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc, điển hình là các phòng mổ dưới hầm của các bệnh viện ở Hà Nội đặc biệt là Bệnh viện Việt Đức đã hoạt động 24 giờ/24 giờ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.
"Sự ra đời của Hội Ngoại khoa Việt Nam vào năm 1962 đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của nền y học nước nhà. Hội cũng là nơi gắn bó và sản sinh nhiều phẫu thuật viên tài hoa" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng cho biết, Hội đã tham gia tư vấn, xây dựng 198 quy trình kỹ thuật phẫu thuật phẫu nội soi, góp phần quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả phẫu thuật nội soi tới tất cả các bệnh viện tỉnh, thành, ngành và nhiều bệnh viện tuyến huyện, góp phần đưa phẫu thuật nội soi từ một "phẫu thuật quý tộc" đến phục vụ số đông nhân dân, một thành tựu mà không phải quốc gia nào cũng thực hiện được.
Hội đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên; tư vấn, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực ngoại khoa và phẫu thuật nội soi và chịu trách nhiệm về đề xuất, kiến nghị của Hội...
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam, trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, ngành ngoại khoa Việt Nam đã không ngừng phát triển, nhiều kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, từ phẫu thuật chung đến các kỹ thuật chuyên khoa sâu đã đưa ngành ngoại khoa phát triển dần tiếp cận với trình độ của nền y học tiên tiến trên thế giới…
Việc phát triển phẫu thuật nội soi là một minh chứng của sự tiếp thu và nhanh chóng hội nhập với nền y học kỹ thuật cao trên thế giới và trở thành những nước có ngành phẫu thuật nội soi phát triển.
Sự ra đời của Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam thể hiện sự tập hợp của các nhà ngoại khoa Việt Nam trong lĩnh vực mới này, nhanh chóng ngành phẫu thuật nội soi hòa vào các chuyên ngành của ngoại khoa. Đến nay, tất cả các chuyên khoa từ phẫu thuật sọ não, lồng ngực, tim mạch, tiết niệu, cột sống… chứ không chỉ là phẫu thuật tiêu hóa.
Hầu hết các bệnh viện trong cả nước thực hiện các kỹ thuật cơ bản, góp phần cơ bản cứu chữa người bệnh, nhiều trung tâm lớn phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật vi phẫu thần kinh, tim hở…
Hội nghị khoa học ngoại khoa và phẫu thuật nội soi toàn quốc năm 2023 có 32 phiên diễn ra tại 8 hội trường với hơn 350 bài báo cáo khoa học chất lượng của các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên trong đó có 30 bài được báo cáo bằng tiếng Anh.
Đồng thời có sự tham gia của gần 100 Chủ tọa là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành và các báo cáo viên thuộc nhiều chuyên ngành như tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch - lồng ngực, sản, nhi, điều dưỡng… Đặc biệt, tại phiên báo cáo tổng quan có 3 chủ đề: tiến bộ trong phẫu thuật ung thư thực quản; phẫu thuật robot hiện tại và triển vọng và tối ưu hóa ứng dụng cụ phẫu thuật.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết ứng dụng phẫu thuật robot có rất nhiều triển vọng phát triển tại Việt Nam.
Để ứng dụng phẫu thuật bằng robot thì quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó cần giao lưu, hội nhập quốc tế để tăng khả năng cũng như có điều kiện học hỏi, chia sẻ kinh nghiệp và chuyển giao công nghệ. Các phương tiện chẩn đoán, tầm soát ở giai đoạn đầu của bệnh, cơ sở vật chất các bệnh viện phải đạt chuẩn xứng tầm, thêm các thiết bị chuyên sâu…
Theo PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, triển khai phẫu thuật robot có nhiều ưu thế, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh; góp phần nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo kỹ thuật viên robot trong nước và trong khu vực; ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo góp phần vào sự phát triển của ngành ngoại khoa hiện nay...
Theo báo Sức khỏe và Đời sống