Thiếu ngủ, ngưng thở khi ngủ hay rối loạn giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn có thể tác động đến tinh thần. Vậy giấc ngủ không chất lượng sẽ có mối nguy hại như thế nào?
Ngủ đủ giấc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe toàn diện của mỗi người. Khi bạn ngủ đủ lâu và sâu, các cơ quan sẽ hoạt động tích cực để nạp lại năng lượng cho cơ thể. Ngược lại, việc thường xuyên ngủ không đủ giấc chính là dấu hiệu đáng báo động về tình trạng sức khỏe. Điển hình là triệu chứng “ngưng thở khi ngủ” – một hiện tượng đáng lo ngại mà bạn không thể bỏ qua. Dưới đây là những thông tin về tầm quan trọng của giấc ngủ và những biện pháp có thể giúp bạn cải thiện một giấc ngủ chất lượng.
Tình trạng ngưng thở khi ngủ gây ra những tác động không nhỏ đến sức khỏe về mặt thể chất lẫn tinh thần. Điển hình là một số ảnh hưởng về sức khỏe được liệt kê dưới đây.
Những người mắc phải triệu chứng ngưng thở khi ngủ sẽ khá khó khăn để chìm vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ của mình. Hơn nữa, thức giấc nhiều lần mỗi đêm còn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, luôn trong trạng thái lo lắng và khó có thể ngủ lại được. Mất ngủ không những làm cơ thể mất sức mà còn khiến làn da hay vẻ ngoài của bạn trông kém sắc. Nguy hại hơn, việc thiếu ngủ thường xuyên cũng là một trong những mối đe doạ gây ra vấn đề suy giảm nhận thức.
Nếu bạn thường thức giấc giữa đêm vì ngáy, tim đập mạnh hay thở gấp thì đây chính là dấu hiệu của việc ngưng thở khi ngủ. Theo như bản tin y tế của Đại học Harvard (2019), ngưng thở trong khi ngủ khiến các mô trong cổ họng giãn ra và làm tắc nghẽn đường hô hấp, gây hiện tượng gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày vì không có giấc ngủ trọn vẹn. Triệu chứng này cần phải được phát hiện và điều trị sớm nhằm cải thiện giấc ngủ cũng như bảo vệ sức khoẻ cơ thể.
Trầm cảm và các vấn đề về giấc ngủ thường đi cùng với nhau. Bởi những người mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ sẽ suy giảm sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, triệu chứng ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân gây ra trầm cảm, suy giảm sức khoẻ tâm lý xã hội.
Người bị ngưng thở khi ngủ có nhiều khả năng bị mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, tăng hồng cầu trong máu…
Để giữ cho đường hô hấp hoạt động tốt, giải pháp hữu hiệu là bạn nên nằm nghiêng hoặc nằm sấp khi ngủ. Đối với các tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn hãy đến gặp ngay bác sĩ để chẩn đoán và chữa trị sớm nhất. Ngoài ra, bạn cần thay đổi lối sống để làm nhẹ bớt triệu chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách giảm cân nặng, tránh uống rượu bia… Luyện tập vài động tác yoga cũng là một trong những cách hữu hiệu giúp bạn ngon giấc.