Nội dung được ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nêu tại buổi giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015-2023, chiều 12/7.
Theo ông Khiết, xu hướng của thị trường bất động sản từ năm 2015-2023 chia làm ba giai đoạn. Trong đó, từ năm 2015-2019, thị trường sôi động, giá cả tăng cao trên tất cả phân khúc; từ năm 2020-2021, thị trường chững lại hoặc giảm nhẹ do Covid-19 và sau đó dần hồi phục, giá bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên diễn biến này chậm chạp và phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc và khu vực.
Với chung cư, thời gian này giá tăng liên tục với mức trung bình 15-20% mỗi năm. Ở phân khúc căn hộ bình dân, mỗi m2 năm 2015 có giá 25-35 triệu đồng thì đến năm 2023 đã lên 40-60 triệu đồng.
Mỗi m2 căn hộ trung cấp năm 2015 giá khoảng 35-50 triệu đồng, đến năm 2023 lên 50-70 triệu đồng, căn hộ cao cấp tăng từ 50 triệu đồng mỗi m2 lên 70-100 triệu đồng.
Căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm có giá cao nhất, mỗi m2 dao động 80-200 triệu đồng năm ngoái, còn ở ngoại ô có giá thấp hơn, từ 30-60 triệu đồng.
Ở phân khúc nhà phố, tương tự như chung cư, giá cũng tăng liên tục nhưng mức tăng có phần thấp hơn, khoảng 10-15% mỗi năm. Khu vực trung tâm giá cao nhất, dao động 100-200 triệu đồng mỗi m2 vào năm 2023, con số này ở ngoại ô là 40-80 triệu đồng.
Riêng đất nền có nhiều biến động với xu hướng tăng chung nhưng cũng có giai đoạn sụt giảm. Đất nền ở trung tâm giá từ 50-150 triệu đồng mỗi m2 vào năm 2015, đến 2023 đã lên 100-300 triệu đồng.
Vị trí ven trung tâm giá năm 2015 từ 20-50 triệu đồng mỗi m2 thì năm ngoái lên 40-100 triệu. Khu vực phía Đông có tốc độ tăng giá cao nhất do quy hoạch và phát triển hạ tầng; còn phía Nam và Tây giá ổn định hơn.
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, khoảng 476.000 hộ dân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình trên địa bàn TP HCM chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân. Ông Khiết cho rằng, sau 5 năm số hộ có nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh mỗi năm thành phố tăng cơ học 200.000 người, là dân từ các tỉnh khác đến làm ăn sinh sống.
"Nguồn cung nhà ở tại TP HCM sẽ ngày càng khan hiếm", ông Khiết nói, thêm rằng lượng nhà ở xây dựng thời gian qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, dù dân số tăng cơ học giảm do Covid-19.
Theo chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở mà TP HCM đề ra giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sàn xây dựng về nhà ở cần phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đến hết năm 2025 đạt 23,5 m2. Tuy nhiên, sau ba năm của kỳ kế hoạch 2021-2025 tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở chỉ được 19,74 triệu m2, tức đạt 39,5% chỉ tiêu và diện tích nhà ở bình quân đầu người mới đạt 21,67 m2 (khoảng 92% chỉ tiêu).
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng nguồn cung nhà ở thương mại đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng giá cao, tập trung phân khúc trung, cao cấp, khó tiếp cận đối với người thu nhập thấp, công nhân, lao động nhập cư trong khi đó nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo VNExpress