Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thực sự vươn tầm quốc tế; trong đó, từng thành phố và địa phương là những thành tố tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tổng thể quốc gia.
Đó là chia sẻ của bà Trần Phương Trà, Phó Giáo sư Quản trị Chiến lược và Giám đốc Chương trình MBA tại Trường Kinh doanh IPAG, Pháp với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo bà, Việt Nam đang xếp thứ 48/132 về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII), đứng thứ 4 ở Đông Nam Á.
Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, có thể nói là một bước tiến lớn so với cách đây 10 năm. Năm 2010 Việt Nam mới chỉ có vài trăm doanh nghiệp khởi nghiệp, thì vào năm 2022, con số đã là hơn 3.000.
- So với các nước trên thế giới, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang ở đâu, thưa bà?
Việt Nam đã có một độ rộng nhất định về khả năng khởi nghiệp, nhưng chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu. Thực tế này bắt nguồn từ hai vấn đề. Thứ nhất, các bạn trẻ làm khởi nghiệp chưa thực sự có “tham vọng quốc tế”. Việc chỉ nhìn trong thị trường Việt Nam thay vì nhìn ra quốc tế ngay từ khi bắt đầu ý tưởng vô hình chung khiến họ chưa định hình mình phải đạt được chất lượng ở cấp độ quốc tế ngay từ ban đầu. Điều đó sẽ ngăn cản dòng vốn lớn hơn từ các quỹ mạo hiểm của nước ngoài, khiến startup quay trở lại vấn đề thiếu vốn để đưa mình đi xa hơn.
Thứ hai, có một thực tế rằng các startup Việt đang làm mạnh nhất ở lĩnh vực thương mại điện tử. Tất nhiên mảng này tốt, nhưng nó chưa phải là chìa khóa cho những “bài toán” lớn mà Việt Nam có thể sử dụng để đặt dấu ấn của mình ở quốc tế.
Nếu có những giải pháp đổi mới sáng tạo cho các thách thức của đô thị, hay biến đổi khí hậu thì đó sẽ là những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh tranh với quốc tế, và sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài hơn là tập trung vào những sản phẩm ngắn hạn như thương mại điện tử. Chúng ta hình dung các startup giải bài toán của địa phương mình, áp dụng cho địa phương khác, và tiến ra giải bài toán của các địa phương ở các quốc gia khác. Đó chính là hướng đi bền vững, đưa startup Việt ra toàn cầu, với tầm ảnh hưởng tạo giá trị lớn.
- Theo bà, đâu là giải pháp để Việt Nam cải thiện vị thế ĐMST của mình, nhìn từ các kinh nghiệm quốc tế?
Có một vấn đề chúng ta có thể cải thiện ngay là hợp tác với các trường đại học. Điều này rất quan trọng ở chỗ các trường đại học mới là những nơi tốt nhất để những người trẻ “ươm mầm” các ý tưởng sáng tạo.
Nếu 20 triệu bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam có thể xây dựng được 2 triệu startups. Chỉ cần một số ít trong 2 triệu doanh nghiệp đó thành công thì cũng đã là điều rất tốt rồi. Tại các thành phố lớn của thế giới, các trường đại học đa ngành nghề hợp tác trong các vườn ươm là mô hình chúng ta có thể nhìn vào.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023), Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Vấn đề thứ hai nằm ở nhân lực. So với quốc tế, các kĩ năng mềm của các bạn trẻ Việt có thể nói đang rất yếu. Chúng ta chưa đạt đến đúng tiêu chuẩn của một sinh viên mới ra trường ở thị trường quốc tế. Theo các nghiên cứu, chỉ duy nhất nhân lực Việt Nam đang yếu về mặt kỹ năng lao động trong khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo.
Để khắc phục điều này thì cần sự phối hợp của tất cả các bên, từ chính phủ, các chuyên gia quốc tế cho tới các doanh nghiệp Việt Nam và các trường đại học thì mới giải quyết được bài toán lớn cho Việt Nam. Cách dễ nhất là bắt đầu từ các địa phương.
Tôi nghĩ từng địa phương phải tập trung vào nâng cao hiệu suất và năng lực làm việc (productivity). Đó không chỉ là về năng suất lao động tính toán theo kiểu kinh tế, mà còn là cách làm việc theo các quy chuẩn, quy trình trong quản lý công việc.
Có rất nhiều quốc gia sử dụng các tổ chức đánh giá về chất lượng. Việt Nam có thể áp dụng bằng cách tạo ra một “nhãn” về hiệu suất lao động, đóng vai trò như là một “danh hiệu” nhằm từng bước xây dựng văn hóa làm việc trong doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu lan tỏa tốt, sau này chúng ta có thể xây dựng thêm những chỉ số khác, ví dụ như độ nhạy bén, tin cậy, hay độ cởi mở và những yếu tố hướng tới sự phát triển bền vững.
- Chính phủ có thể bổ sung những chính sách như thế nào để phát huy được năng lực ĐMST cho các doanh nghiệp?
Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng đầu tư công như một công cụ để định hướng sự phát triển của các SME trên thị trường. Ví dụ ở Pháp hoặc ở các nước châu Âu, chính phủ sẽ yêu cầu các SME phải đảm bảo những tiêu chí nhất định, như bình đẳng giới, thuê người tàn tật… nếu muốn thắng một đấu thầu công.
Đầu tư công không hẳn là những dự án lớn. Đó có thể là các dự án nhỏ như cải tạo cơ sở hạ tầng công cộng, vệ sinh môi trường hoặc các vấn đề khác dễ dàng áp dụng sáng kiến đổi mới sáng tạo. Tôi cho đó là không gian phù hợp để các startup Việt Nam thể hiện bản thân và nâng tầm. Chưa kể, đầu tư công thường chiếm một phần rất lớn trong ngân sách, như khoảng 10% GDP ở Pháp, nên đó sẽ là động lực cực lớn để các SME thay đổi.
Thứ hai, trong các cuộc đấu thầu, chính phủ có thể thanh toán cho các doanh nghiệp nhỏ nhanh hơn hoặc giảm thiểu các quy trình về giấy tờ, thủ tục cho các doanh nghiệp ĐMST đã đạt được một số tiêu chí nhất định, hoặc khuyến khích những doanh nghiệp ĐMST đạt được “nhãn” bằng những ưu đãi về thuế.
- Trân trọng cám ơn bà!
Đặng Trường DĐDN thực hiện